Dự án cầu Cần Giờ được UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng cho xây dựng với tổng vốn dự kiến 5.300 tỷ đồng.
Ngày 19-4, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM chính thức công bố thiết kế cầu Cần Giờ với hình tượng cây đước đặc trưng của huyện này.
Theo đó, phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ của Công ty cổ phần Kidohu được chọn. Cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ sẽ được xây dựng kiến trúc cầu dây văng một trụ tháp với phác họa hình tượng cây Đước, có lan can hình tượng sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng sẽ tạo nên hiệu ứng rừng Đước khi có xe đi qua cầu. Đây là cầu dây văng 1 trụ tháp sẽ vượt sông Soài Rạp tại khu vực hạ lưu phà Bình Khánh hiện hữu để kết nối với đường Rừng Sác của huyện Cần Giờ.
Thông số kỹ thuật cầu Cần Giờ: trụ tháp cầu cao 230m, hai khoan hai bên trụ rộng 215m và 350m, tĩnh không thông thuyền là 55m. Cầu dài 3,4km với bốn làn xe, vượt qua sông Soài Rạp tại khu vực hạ lưu phà Bình Khánh hiện hữu,
Cầu Cần Giờ nối từ huyện Nhà Bè sang huyện Cần Giờ. Hướng tuyến trùng với đường 15B, vượt đường Nguyễn Bình (huyện Nhà Bè), sau đó vượt sông Soài Rạp sang huyện Cần Giờ.
Dự kiến điểm đầu cầu là tại nút giao giữa đường 15B với đường số 2 khu đô thị Phú Xuân, huyện Nhà Bè. Điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại điểm cách bến phà Bình Khánh khoảng 1,8 km về phía Nam thuộc xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ.
UBND Tp. HCM cũng xác định quy mô, thông số của cầu Cần Giờ được tiếp tục nghiên cứu phù hợp định hướng điều chỉnh quy hoạch huyện Cần Giờ và có thể được điều chỉnh khi có căn cứ xác đáng.
Theo thông tin từ một trong số các doanh nghiệp tham gia thiết kế và triển khai nghiên cứu đầu tư dự án cho biết, dự kiến tổng vốn đầu tư của dự án khoảng hơn 8.000 tỉ đồng.
Khi cây cầu hoàn thành sẽ kết nối khu vực trung tâm Tp. HCM với huyện Cần Giờ, từ đó giúp thúc đẩy kinh tế xã hội, đặc biệt là du lịch khu vực này phát triển. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án của nhà đầu tư đưa ra, phương án và tổng mức đầu tư cuối cùng có thể thay đổi theo quyết định của UBND Tp. HCM.