Pháp lý Condotel (căn hộ du lịch / căn hộ khách sạn) là một vấn đề vẫn chưa rõ ràng và cụ thể bằng các quy định pháp luật vì đây là loại hình kinh doanh mới, chưa có cơ sở, quy định pháp luật. Tuy được chào bán với lợi nhuận cam kết lên đến hơn 10%/năm, nhưng có thể nói đầu tư vào condotel là đầu tư mạo hiểm, rủi ro cao. Tuy nhiên đã có những tín hiệu mới từ Chính phủ?
Chiều ngày 2/12, trong cuộc họp báo Chính phủ thường ký tháng 11, lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định Chính phủ sẽ ban hành những quy định cụ thể về pháp lý kinh doanh loại hình căn hộ du lịch (condotel).
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, trong tháng 12, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp hoàn hành các vấn đề pháp lý liên quan đến condotel như: Quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy chế vận hành quản lý, chuyển nhượng, mua bán, cấp chứng nhận sở hữu…
Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, condotel là sở hữu của chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư thứ cấp lại sở hữu trực tiếp căn hộ. Loại hình bất động sản condotel phát triển nóng nhất vào năm 2016-2017 sau đó thoái trào vào 2018-2019. Hiện tại, cả nước đang có 30.000 căn condotel.
Loại hình này đang bộc lộ những vướng mắc về hành lang pháp lý. Theo ông Hùng, Luật Du lịch đã có quy định về các loại hình cơ sở lưu trú du lịch bào gồm: Biệt thự du lịch, căn hộ du lịch và nhà ở có phòng có khách du lịch thuê, còn lại các luật liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai thì lại chưa có định danh về loại hình condotel nên chưa có hành lang pháp lý tiếp theo.
Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng các loại hình này cũng chưa có, chưa rõ ràng giữa việc sở hữ có thời hạn với nhà ở lâu dài. Quy định vận hành, quản lý loại hình này trong Luật Kinh doanh bất động sản chưa rõ.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, trên thị trường xuất hiện cam kết của nhà đầu tư đầu tiên với nhà đầu tư thứ cấp về tỷ lệ lợi nhuận cao dẫn tới mất cân đối, mất khả năng chi trả. Trong 2 năm 2017, 2018, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu siết chặt hình thức đầu tư này, đặc biệt những tỉnh xuất hiện nhiều condotel phải lưu ý khi thẩm định đầu tư, chỉ tiêu doanh số, an toàn xã hội, hạ tầng kỹ thuật để tránh biến loại hình này thành nhà ở… Do đó từ năm 2018 đã giảm hẳn xem xét quy hoạch đầu tư.
Về mức cam kết lợi nhuận quá cao của các chủ đầu tư, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho rằng đây là quan hệ dân sự, pháp luật không cấm. Tuy nhiên, trước tình hình thực tế này sinh nhiều vấn đề, ông lưu ý các chủ đầu tư cần công khai minh bạch thông tin, nguy cơ đổ vỡ tới các nhà đầu tư thứ cấp. Bên cạnh đó, các hiệp hội cần có những cảnh báo, Ngân hàng nên có kiểm soát chặt tín dụng cho đầu tư loại hình này.
“Lợi nhuận tối đa của condotel chỉ nên lớn hơn lãi suất tiết kiệm. Nếu cam kết lợi nhuận gấp 2-3 lần lãi suất tiết kiệm là quá phi lý,” Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết sẽ đề xuất xây dựng hướng dẫn, trong đó có mẫu hợp đồng mua bán condotel. Qua đó, sẽ có những điều khoản ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi của người bán, người mua, lưu ý lợi nhuận cam kết… Việc lưu ý lợi nhuận cam kết trong hợp đồng mẫu sẽ tạo ra hành lang pháp lý, cơ quan Nhà nước can thiệp ở mức độ phù hợp.